Tại phiên tòa đang xử vụ ly hôn, người chồng giật điện thoại của vợ, đập vỡ ngay trước mặt thẩm phán. Đó là phiên tòa xử vụ ly hôn vài năm trước tôi chứng kiến.
Trong phiên hoà giải, người vợ có điện thoại nên mở máy ra nghe. Vốn có tính ghen tuông, ông chồng giật ngay lấy điện thoại trên tay vợ và ném. Người vợ trình báo công an. Chiếc điện thoại anh ta đập vỡ được định giá trên 10 triệu đồng. Vụ án ly hôn được xử xong không lâu, người chồng tiếp tục bị đưa ra xét xử vì tội “hủy hoại tài sản của người khác” với mức phạt 9 tháng tù. Vị thẩm phán xử ly hôn, rất hy hữu, trở thành nhân chứng cho vụ án sau. “Trước cũng đập điện thoại của vợ mà không sao, lần này lại bị khởi tố”, người chồng thở dài.
Cũng “hồn nhiên” như anh chồng trên, có lẽ không phải tất cả người đang tham gia đánh bạc biết, với số tiền từ 5 triệu đồng trở lên, họ có thể nhận ba đến 7 năm tù. Số người tham gia đánh bạc cả trên chiếu và trên mạng tại Việt Nam không nhỏ, có thể tăng lên trong mùa dịch. Người tham gia có khả năng bị khởi tố theo khoản 2, Điều 321, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tối đa 7 năm tù.
Hai tháng trước, tôi nghiên cứu bản án sơ thẩm xét xử một bị can về hành vi đánh bạc online. Số tiền đánh bạc không quá lớn, hơn 20 triệu đồng. Tất cả lời khai của người này tại cơ quan điều tra, viện kiểm sát hay tòa án đều cho rằng chỉ “đánh bạc để giải trí, không biết là vi phạm pháp luật”. Đến khi bị cơ quan điều tra triệu tập, khởi tố, anh mới biết hành vi của mình đã cấu thành tội phạm. Tại tòa, anh thành khẩn xin pháp luật khoan hồng vì thiếu hiểu biết, nhưng vẫn phải nhận hai năm tù dù có tình tiết giảm nhẹ.
Một vụ án khác, nhóm 5 thanh niên rủ nhau đánh “dằn mặt” một thanh niên khác. Tất cả bị khởi tố theo khoản 2, Điều 104, Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung tăng nặng “sử dụng hung khí nguy hiểm và có tổ chức”.
Khi hỏi cung, có bị can kêu oan vì “không trực tiếp tham gia đánh người, chỉ lấy xe máy chở bạn đi và ở ngoài hò hét, kêu gọi tinh thần”; có bị can trình bày “chỉ lấy điện thoại đập vào đầu nạn nhân chứ không dùng hung khí nguy hiểm”. Chúng tôi đã giải thích, đồng phạm là cố ý cùng thực hiện hành vi tội phạm, gồm cả người không trực tiếp thực hiện hành vi đó nhưng giúp sức, xúi giục. Hung khí nguy hiểm là những vật có một trong các đặc điểm: cứng, tày, sắc, nhọn. Viên gạch, cây, gậy, mũ cứng, điện thoại… đều có thể được coi là hung khí nguy hiểm, không nhất thiết phải là súng, dao, kiếm.
Làm công tác pháp luật, tôi gặp biết bao tình huống đáng tiếc: Người va chạm giao thông, mất bình tĩnh, đập vỡ cửa kính ôtô, phạm tội “hủy hoại tài sản”; bố đưa xe máy cho con chưa có bằng lái điều khiển gây tai nạn chết người, bố bị án treo còn con bị tù giam; người giao cấu với trẻ em dưới 13 tuổi phạm tội “hiếp dâm”; người thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi bị phạt tù từ một đến 5 năm và có thể phải dành cả thanh xuân trong trại giam nếu thực hiện hành vi hai lần trở lên.
Tôi tự hỏi, có bao nhiêu học sinh cấp ba, sinh viên, thậm chí người lớn biết được các quy định pháp luật này? ?
Tất cả vụ án trên đều có yếu tố không hiểu biết pháp luật dẫn đến hành vi phạm tội. Nếu biết được chế tài sẽ phải nhận khi thực hiện hành vi vi phạm, chưa chắc họ đã thực hiện chúng.
Trong rất nhiều tình huống pháp luật hình sự, chúng ta buộc phải biết luật chứ không phải không biết là vô can hoặc được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nhưng, lối suy nghĩ hồn nhiên này vẫn tồn tại.
Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV cho hay, năm 2020, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 84.271 vụ án hình sự, tăng hơn 7% so với năm 2019. Tức, trung bình mỗi tháng, cả nước xảy ra khoảng 7.000 vụ án hình sự. Số bị can còn lớn hơn rất nhiều. Một vụ án có thể nhiều bị can.
Chi phí kinh tế và phi kinh tế khi khởi tố một vụ án hình sự không hề nhỏ. Đó là thời gian và nguồn lực vật chất, công sức của các cơ quan tố tụng để xác minh, điều tra, truy tố, xét xử cho đến giam giữ; thiệt hại cho xã hội và kéo theo nhiều hệ lụy khác về vấn đề gia đình, về nỗi đau tinh thần do tội phạm gây ra mà nhiều trường hợp không thể chữa lành. 84.271 vụ án hình sự năm ngoái đương nhiên kéo theo vấn đề của hàng trăm nghìn người liên đới, chưa kể tiêu cực trong giải quyết án.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Do đó, đã đến lúc Bộ Giáo dục phối hợp với Liên ngành Tố tụng đưa nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự vào năm cuối chương trình phổ thông trung học.
Trường phổ thông hiện có môn Giáo dục công dân, nhưng nội dung về luật pháp chưa thiết thực. Giáo dục các điều luật hình sự cơ bản vô cùng quan trọng. Nó giúp học sinh có cẩm nang bước vào đời, chính các em cũng sẽ tuyên truyền cho người thân tránh những hành vi phạm tội vì thiếu hiểu biết.
Đó là những nhóm tội phổ thông như: cố ý gây thương tích, đánh bạc; các tội liên quan đến tài sản như trộm cắp, hủy hoại, cưỡng đoạt, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm; các tội liên quan đến ma túy, giao cấu với người dưới 16 tuổi, các tội liên quan đến giao thông, gây rối trật tự công cộng… Người giảng dạy, nếu là cán bộ công an, tòa án, hay viện kiểm sát thì bài giảng sẽ rất chân thực, tránh bê nguyên điều luật khô khan vào lớp học. Những “giáo viên” này có thể đưa bản án cụ thể của từng tội danh vào bài giảng, minh họa để người học dễ nhớ.
Ở nhiều nước, giáo dục đóng vai trò quan trọng giúp kiềm chế tỷ lệ tội phạm, chi phí rất nhỏ so với những gì nhà nước phải tiêu tốn để giải quyết hậu quả tội phạm và thiệt hại xã hội phải gánh chịu.
Qua bài viết chia sẽ này, tôi mong mọi công dân hãy trang bị cho mình kiến thức pháp Luật nhất định, luôn sống đúng và làm đúng để có 1 cuộc sống tốt đẹp hơn!